Lịch sử Babri_Masjid

Mô tả của người Ấn Độ giáo

Hoàng đế Babur là một người Hồi giáo, ông thiết lập quyền uy của mình đối với toàn bộ miền bắc Ấn Độ khi chinh phục Vương quốc Mewar của người Rajput và Quốc vương Ấn Độ giáo Chittodgad, Rana Sangrama Singh, trong trận Khanwa. Sau chiến thắng này, tướng quân của ông ta là Mir Baqi trở thành thống đốc khu vực xung quanh Awadh.

Mir Baqshi cho xây dựng Babri Masjid tại Ayodhya và đặt tên nó theo hiệu của Hoàng đế Babur, sau khi tàn phá một ngôi đền tồn tại từ trước thờ thần Rama[11] tại đây.[12] Dù không có đề cập nào đến thánh đường mới trong nhật ký của Babur mang tên Baburnama, song các trang về giai đoạn tương thích biến mất trong nhật ký. Văn kiện Tarikh-i-Babari vào đương thời viết rằng binh sĩ của Babur "tàn phá nhiều đền Ấn Độ giáo tại Chanderi."[13]

Theo phán quyết, 265 câu khắc phát hiện vào ngày 6 tháng 12 năm 1992 sau khi cấu trúc tranh chấp bị phá hủy, cùng các tàn tích kiến trúc khác, không có chỗ cho nghi ngờ rằng các câu khắc bằng chữ Devnagri có niên đại từ thế kỷ 11 và 12.[14] Toàn bộ ba thẩm phán chấp thuận rằng bên dưới thánh đường là nền một đền thờ Ấn Độ giáo. Hai thẩm phán chấp thuận cụ thể rằng đền bị phá bỏ.[15]

Mô tả của tín đồ Jain

Theo Jain Samata Vahini, một tổ chức xã hội của tín đồ Jaina giáo, "cấu trúc duy nhất có thể phát hiện trong khi khai quật là một đền thời Jaina thế kỷ 16". Tổng thư ký của tổ chức là Sohan Mehta tuyên bố rằng cấu trúc tranh chấp bị phá hủy thực thế được xây dựng trên tàn dư của một đền thờ Jaina cổ, và rằng có thể chứng minh chúng theo khai quật của ASI, theo lệnh của Tòa án tối cao Allahabad để giải quyết tranh chấp Babri Masjid-Ramjanmabhoomi.

Mehta trích dẫn câu chữ của các thầy tu Jaina trong thế kỷ 18 viết rằng Ayodhya là địa điểm mà năm tirthankar (pháp sư) Jaina là Rishabhdeo, Ajitnath, Abhinandannath, Sumatinath và Anantnath đã ở. Thành phố cổ đại nằm trong số năm trung tâm lớn nhất của Jaina giáo và Phật giáo trước năm 1527.[16]

Mô tả của tín đồ Hồi giáo

Một số người Hồi giáo và phi Hồi giáo tuyên bố rằng không có ghi chép lịch sử thể hiện bất kỳ cuộc phá hủy nào, hay thậm chí là sự tồn tại của một đền Ấn Độ giáo tại địa điểm mà Mir Baqi cho dựng Masjid vào năm 1528. Khi các tượng thần Ram được cho là đặt bất hợp pháp trong Thánh đường vào ngày 23 tháng 12 năm 1949, Thủ tướng Jawaharlal Nehru viết thư cho thủ hiến của Uttar Pradesh là G. B. Pant yêu cầu loại bỏ chúng do "là một tiền lệ nguy hiểm." Quản trị trị viên địa phương là Phó ủy viên Faizabad K. K. Nayar bác bỏ lo ngại của Nehru, ông ta thừa nhận việc đặt tượng là bất hợp pháp song từ chối loại bỏ chúng. Năm 2010, tòa án tối cao phán quyết rằng trao hai phần ba diện tích cho đền thờ Ấn Độ giáo, hàng nghìn trang của bản phán quyết trích dẫn từ kinh của Ấn Độ giáo.[17]

Người Hồi giáo và các nhà phê bình khác bất mãn khi các báo cáo khảo cổ có động cơ chính trị dựa trên các nhóm Ấn Độ giáo như Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), Vishwa Hindu Parishad (VHP) và Hindu Munnani để đưa yêu sách với địa điểm Babri Masjid. Quỹ Tín thác kỷ niệm Safdar Hashmi cho rằng bằng chứng nhất định từ Cơ quan Nghiên cứu Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) loại trừ khả năng từng có một đền thờ Ấn Độ giáo thay vì cung cấp bằng chứng cho thấy có một đền đang tồn tại trước khi thánh đường được xây dựng.[18]

Mô tả của người Anh

"Sau khi Babar giành được một địa vị vững chắc tại Hindustan theo thắng lợi tại Panipat vào năm 1526 và tiến đến Agra, gia tộc người Afghan chiến bại là Lodhi vẫn chiếm đóng Trung Doab, Oudh, và các huyện phía đông của United Provinces hiện nay. Năm 1527, trong khi trở về từ Trung Ấn, Babar đả bại các địch thủ của mình tại Nam Oudh gần Kanauj, và qua tỉnh xa đến Ayodhya nơi mà ông cho xây dựng một thánh đường vào năm 1528, trên một địa điểm nổi tiếng vì là sinh quán của Rama. Người Afghan duy trì thế đối lập sau khi Babar từ trần vào năm 1530, song bị thất bại gần Lucknow trong năm sau."[19]

Xung đột về địa điểm

Sự kiện bạo lực đầu tiên được ghi lại về vấn đề giữa các tín đồ Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong thời hiện đại diễn ra vào năm 1853, trong thời gian trị vì của Nawab Wajid Ali Shah của Awadh. Một giáo phái Ấn Độ giáo mang tên Nirmohi yêu sách đối với cấu trúc, dám chắc rằng thánh đường nằm trên địa điểm có một ngôi đền bị phá hủy trong thời Babar. Bạo lực bùng phát liên miên xung quanh vấn đề trong hai năm sau đó và chính quyền dân sự can thiệp, từ chối cho phép xây dựng một đền thờ hoặc sử dụng nó làm một địa điểm thờ phụng.

Theo Công báo huyện Faizabad 1905, "cho đến đương thời (1855), cả người Ấn Độ giáo và Hồi giáo thờ cúng trong cùng công trình. Tuy nhiên kể từ Binh biến (1857), một hàng rào vòng ngoài được lập tại mặt trước của Masjid và người Ấn Độ giáo bị cấm tiếp cận sân trong, tiến hành cúng tế trên một bục (chabootra) mà họ dựng bên ngoài."

Các nỗ lực trong năm 1883 nhằm xây dựng một đề thờ trên chabootra này bị Phó Uỷ viên cho dừng lại, ông ban hành lệnh cấm vào ngày 19 tháng 1 năm 1885. Cao tăng Raghubir Das đệ đơn kiện lên phó thẩm phán Faizabad. Pandit Harikishan xin cấp phép xây dựng một đền thờ tại chabootra này với kích thước 17 ft. x 21 ft., song đơn kiện bị bác bỏ. Một kháng cáo được nộp cho thẩm phán huyện Faizabad là Đại tá J.E.A. Chambiar, ông tiến hành kiểm tra địa điểm vào ngày 17 tháng 3 năm 1886 song bác bỏ kháng cáo. Một kháng cáo thứ nhì được đệ trình vào ngày 25 tháng 5 năm 1886, trước Ủy viên Tư pháp Awadh là W. Young, song cũng bị bác bỏ.

Thẩm phán huyện Faizabad trong kháng cáo của Mahant Raghubar Das đưa ra phán quyết vào ngày 18 tháng 3 năm 1886. Trong đó bác bỏ kháng cáo và chỉ ra hai điểm:

"Tôi thấy rằng Masjid được Hoàng đế Babur cho xây dựng nằm trên ranh giới của đô thị Ayodhya. Hết sức không may là Masjid lại được xây dựng trên vùng đất đặc biệt thiêng liêng đối với người Ấn Độ giáo, tuy nhiên do sự kiện đó đã xảy ra 358 năm trước đây, hiện là quá muộn để giải quyết khiếu nại. Tất cả những gì có thể thực hiện là duy trì nguyên trạng. Trong trường hợp này bất kỳ sáng kiến nào cũng sẽ gây ra nhiều thiệt hại và xáo trộn trật tự hơn là có lợi."

Trong "náo loạn công cộng" năm 1934, các bức tường quanh Masjid và một trong số các vòm của Masjid bị tổn hại. Chúng được Chính phủ Anh tái thiết.

Thánh đường cùng nghĩa địa phụ thuộc mang tên Ganj-e-Shaheedan Qabristan được đăng ký với số hiệu Waqf No. 26 Faizabad tại Ban Trung ương Sunni UP về Waqf (các thánh địa Hồi giáo) theo Đạo luật 1936. Tình trạng quấy rối người Hồi giáo trong giai đoạn này được ghi nhận trong hai báo cáo của thanh tra viên waqf là Mohammad Ibrahim, đề ngày 10 và ngày 23 tháng 12 năm 1949.

Nửa đêm ngày 22 tháng 12 năm 1949, khi các cảnh vệ đang ngủ, tượng của Rama và Sita được bí mật đưa vào trong thánh đường và dựng lên. Khi biết tin, Phó Thủ tướng Ấn Độ Vallabhbhai Patel trực tiếp chỉ thị Thủ hiến Govind Ballabh Pant và Bộ trưởng Nội vụ Lal Bahadur Shastri gỡ bỏ các tượng. Theo lệnh của Pant, Bí thư trưởng Bhagwan Sahay và Tổng thanh tra cảnh sát V.N. Lahiri lập tức chỉ thị đến Faizabad gỡ bỏ tượng. Tuy nhiên, K.K. Nayar lo ngại rằng người Ấn Độ giáo sẽ trả thù và biện hộ không thể thi hành lệnh. Cuộc bầu cử tại địa phương càng khiến vấn đề thêm phức tạp và không hành động nào được thực hiện.

Năm 1984, Vishwa Hindu Parishad (VHP) phát động một phong trào lớn nhằm mở cửa khóa cửa thánh đường, và đến năm 1985 chính phủ Rajiv Gandhi ra lệnh bỏ khóa của Ram Janmabhoomi-Babri Masjid tại Ayodhya. Trước thời điểm này, lễ Ấn Độ giáo duy nhất được cấp phép là các thầy tu Ấn Độ giáo tiến hành puja hàng năm cho các tượng tại đây. Sau quyết định, toàn bộ người Ấn Độ giáo được tiếp cận nơi mà họ cho là sinh quán của Rama, và thánh đường nhận một số chức năng của một đền thờ Ấn Độ giáo.[20]

Căng thẳng xã hội trong khu vực xấu đi khi VHP được cấp phép thực hiện một shilanyas (lễ đặt đá) tại địa điểm tranh chấp trước tổng tuyển cử vào tháng 11 năm 1989. Một lãnh đạo cao cấp của BJP là LK Advani bắt đầu một cuộc hành hương kéo dài 10.000 km từ miền nam hướng đến Ayodhya.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Babri_Masjid http://www.britannica.com/EBchecked/topic/47510/Ba... http://www.deccanherald.com/content/86879/unwillin... http://www.erces.com/journal/articles/archives/v02... http://www.expressindia.com/news/fullstory.php?new... http://books.google.com/books?id=6xTC8ub8RN8C&pg=P... http://books.google.com/books?id=7Ms5N7NhGXIC&pg=P... http://books.google.com/books?id=LTW1Rf-NfJsC&pg=P... http://books.google.com/books?id=w5SlnZilfMMC&pg=P... http://books.google.com/books?id=wBq2AAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=wVr_f_gXOX4C&pg=P...